“Mình bắt đầu khởi nghiệp không phải theo phong trào mà đó là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, học hỏi và cao hơn nữa là mục tiêu, giá trị là mang lại sức khỏe cho cộng đồng”, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm (Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee) tâm sự.
Đam mê dược liệu, từ nhỏ, chị Đoàn Thị Hồng Thắm đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành dược sĩ. Sau này, khi trở thành sinh viên ngành Dược của Trường ĐH Y Dược TPHCM, chị cũng thường xuyên đi theo các thầy để nghiên cứu. Ra trường, chị Thắm được làm đúng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, phụ trách các sản phẩm từ dược liệu và được nhiều người biết đến khi nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc ho Eugica, loại thuốc ho từ thảo dược thiên nhiên nổi tiếng một thời.
Chị kể: “Bước ngoặt với mình, có lẽ là khi mình rẽ sang con đường kinh doanh, trở thành Giám đốc chi nhánh cho một Công ty Dược lớn. Suốt 10 năm đó, mình học hỏi được nhiều kiến thức kinh doanh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu về về quản trị doanh nghiệp”.
Năm 2019, nhận thấy xu hướng tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng chăm sóc sức khoẻ từ dược liệu thiên nhiên, chị quyết định nghỉ việc và thành lập công ty ở độ tuổi U50, với mong muốn mang những ứng dụng của dược liệu, của nông sản Việt vào đời sống phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Giúp dược liệu tránh cảnh “được mùa rớt giá”
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm nhớ lại: Thời điểm đó, bà con nông dân vẫn có thói quen trồng theo phong trào. Khi thu hoạch thì lâm vào cảnh “được mùa rớt giá”.
Có thời điểm, bà con Cần Thơ đua nhau trồng cây đinh lăng để cung cấp cho các công ty dược, nhưng rồi khi họ không thu mua thì nông dân cũng không biết bán cho ai. Trong khi đó, đinh lăng là loại dược liệu sạch, không phân bón, thuốc trừ sâu…
Chính vì vậy, chị Thắm lựa chọn cây đinh lăng để nghiên cứu những sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên của mình. Nữ dược sĩ cho biết, thông thường người dân trồng đinh lăng để lấy củ, phải mất 4-5 năm và bỏ lá. Nhưng đây là dược liệu có thể tận dụng từ lá, thân, rễ… nên chị tận dụng hết mọi thành phần của cây để làm sản phẩm.
Trà đinh lăng được làm từ củ và lá cây, có tác dụng chính là giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể, tăng tuần hoàn não, hỗ trợ giảm hội chứng rối loạn tiền đình, giúp ngủ ngon. Gối đinh lăng được làm từ lá của loại cây này kết hợp với các thảo dược khác, giúp trẻ em chống đổ mồ hôi trộm khi ngủ, cải thiện giấc ngủ cho người lớn. Không chỉ vậy, việc tận dụng nguyên liệu như vậy cũng mang lại thêm thu nhập, tối ưu được lợi nhuận của người trồng.
Để mở rộng quy mô sản xuất, chị Thắm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà xưởng, đặt mua các trang thiết bị và máy móc sản xuất, đồng thời hợp tác với các hợp tác xã để có nguồn nguyên liệu ổn định.
Hiện tại, ngoài những sản phẩm từ đinh lăng, chị Thắm sản xuất thêm các loại khác như trà diếp cá, tía tô… Điểm khác biệt chính là các sản phẩm của chị đều là trà hòa tan nên rất dễ uống, nên vì thế, dễ dàng đến được với khách hàng. Dược sĩ Hồng Thắm chia sẻ.
Hiện tại, dây chuyền sản xuất Trà hoà tan của công ty chị đã được chứng nhận ISO 22000:2018 theo tiêu chuẩn quốc tế. Chị cũng đang hoàn thiện hồ sơ OCOP cho các sản phẩm của mình.
Với phương châm, mang đến sức khỏe cho mọi người từ nguồn dược liệu sẵn có của địa phương, nữ CEO của Hygie&Panacee vẫn đang miệt mài nghiên cứu và tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm khác.
Khởi nghiệp là học tập không ngừng
Khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ, niềm đam mê đã đưa chị ra khỏi vùng an toàn.
“Với mình, khó khăn lớn nhất là vượt qua được bản thân. Trước đây, khi còn đi làm thì có mức lương và thu nhập tương đối tốt, cuộc sống gia đình ổn định. Nhưng khi quyết định thay đổi là mình phải lường trước những rủi ro và sự bấp bênh. Bạn sẽ phải chuẩn bị cho mình tâm thế trên một hành trình đơn độc vì trước đây có thể mình làm rất tốt công việc là do mình đc cả hệ thống hỗ trợ nhưng khi khởi nghiệp, bạn có thể sẽ phải “đơn thương độc mã”.
Đồng thời, để chuẩn bị hành trang khởi nghiệp, bạn còn phải có cả một quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong suốt những năm đi học, đi làm. Ngay cả khi đã nghiên cứu thành công, khi bắt tay vào sản xuất, thì vẫn cần không ngừng học, tiếp thu những kiến thức mới của thời đại công nghệ số”. Đó là bí quyết của nữ start-up U50 Đoàn Thị Hồng Thắm.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam